23 avril 2019

Đừng ngây thơ, hay vội vàng nói 60 tỉnh còn lại không có gian lận thi cử

Cần phải rà soát tổng thể kết quả thi quốc gia năm 2018. Ảnh minh hoạ: VTV

Xuân Dương
 

 (GDVN) - Nếu “Sâu bố mẹ” tiếp tục tại vị, không có gì đảm bảo, rằng chúng không thể biến thành “Sâu cụ”, “Sâu chúa”, còn lũ “Sâu con”
Được người dân chứ không phải là công an, thanh tra, khảo thí phát hiện, sau khi báo chí đưa tin rộng rãi và Bộ Công an vào cuộc, kết quả gian lận điểm thi tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 đã bị đưa ra ánh sáng.
Ngoài 16 người đã bị truy tố là thành viên Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chưa thấy động tĩnh gì đối với hai nhóm đối tượng còn lại là cha mẹ học sinh được nâng điểm và những lãnh đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành tại địa phương và cấp cao hơn. 

Vấn đề là quy mô gian lận trong kỳ thi năm 2018 chỉ giới hạn ở ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình hay còn tại một số địa phương khác?
Liệu các cơ quan bảo vệ pháp luật thuộc hệ thống chính trị có thể khẳng định 60 tỉnh, thành phố còn lại không nơi nào để xảy ra gian lận thi cử, kết quả chấm thi và điểm đã công bố là hoàn toàn trung thực? 
Người viết cho rằng sẽ là quá sớm, thậm chí là quá ngây thơ nếu khẳng định tại 60 tỉnh/thành phố còn lại không xảy ra gian lận thi cử. 
Để làm rõ vấn đề này, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mà trước hết là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sau đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. 
Đề nghị “cả hệ thống chính trị phải vào cuộc” là căn cứ vào yêu cầu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”, cụ thể là: 
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.
Gian lận thi cử tại trong kỳ thi 2018 trải rộng trên địa bàn ba tỉnh, liên quan đến mấy trăm đối tượng bao gồm hơn 200 cha mẹ thí sinh, ba Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo thi cấp bộ và không thể không nhắc tới hàng trăm thí sinh trong số 222 thí sinh được nâng điểm.
Như vậy đây là vụ việc mang tầm quốc gia chứ không còn là hiện tượng cục bộ.
Vậy thì vì sao cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có chỉ đạo tổng rà soát toàn bộ kỳ thi 2018, đánh giá thực trạng gian lận thi cử từ trước đến nay theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương nhằm giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực? 

Chuyện "điểm lạc" vào nhà quan, nhà giàu

Thất thoát ngân sách trong các vụ mua bán AVG, trong đầu tư vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên,…  có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng và việc khởi tố vụ án đã khiến một số quan chức bị bắt tạm giam.
Vậy có thể định lượng thiệt hại gây ra từ vụ gian lận thi cử năm 2018?
Chắc chắn không thể quy thành tiền, nhưng chắc chắn thiệt hại mà hệ thống chính trị phải gánh chịu là vô cùng to lớn bởi nếu hàng trăm người mua điểm trót lọt thì bước tiếp theo sẽ là mua bằng, mua chức và cuối cùng là “thu hồi vốn”.
Nếu “Sâu bố mẹ” tiếp tục tại vị, không có gì đảm bảo, rằng chúng không thể biến thành “Sâu cụ”, “Sâu chúa”, còn lũ “Sâu con” sau “ăn” điểm sẽ tiếp tục ăn đất đai, sắt thép, dự án và quan trọng nhất, chúng sẽ “ăn” hết niềm tin của gần trăm triệu người Việt vào chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, vào mong muốn xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo”.  
Rà soát kết quả thi năm 2018 vừa là tuân thủ chỉ đạo của Trung ương qua Nghị quyết 29-NQ/TW, cũng còn là việc phải làm để bảo đảm công bằng với mọi đối tượng, cụ thể giữa ba tỉnh bị chấm phúc thẩm với 60 tỉnh thành còn lại. 

Kiểu gian lận chỉnh sửa điểm thi ở phía Bắc xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu không thực hiện việc này, rất có khả năng nhiều cán bộ, công chức, phụ huynh và thí sinh gian lận điểm thi sẽ lọt lưới và chỉ vài năm sau, không ít người trong số thí sinh gian lận sẽ trở thành cán bộ, công chức nhà nước, sĩ quan trong lực lượng vũ trang,..., còn những cán bộ, công chức tham gia đường dây gian lận hoặc vẫn ung dung lên lớp đạo đức cho người dân và cấp dưới hoặc vẫn “hiên ngang” đứng trên bục giảng tại các cơ sở giáo dục.
Xin đề xuất hai nhóm đối tượng cần rà soát:
Nhóm thứ nhất, bao gồm những cán bộ liên quan trực tiếp đến kỳ thi 2018 thuộc biên chế Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Ban Chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương trong các công đoạn tổ chức thi đến coi thi, chấm thi,… 
Tiếp tục mở rộng sang các lãnh đạo chủ chốt hoặc người đứng đầu những nơi đã phát hiện vi phạm.
Nhóm thứ hai, phụ huynh và thí sinh.
Đối với thí sinh, xin đề xuất 05 phương án:
Thứ nhất, rà soát lại kết quả của những thí sinh đã trúng tuyển vào các đại học, học viện (bằng cách sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018), số lượng thí sinh cần rà soát là 344.275 người (không xem xét hệ cao đẳng);
Thứ hai, rà soát lại kết quả của tất cả thí sinh đạt từ 9,0 điểm trở lên mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển đại học, để làm việc này có thể căn cứ vào phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, nếu phát hiện có tiêu cực có thể hạ xuống từ 8,0 điểm trở lên.
Từ phổ điểm môn Vật lý có thể thấy cả nước có 02 thí sinh đạt điểm 10; 19 thí sinh đạt 9,75; 71 thí sinh được 9,5; 119 thí sinh được 9,25 điểm; 385 thí sinh đạt điểm 9, tổng cộng là 596 thí sinh;
Môn Hóa học có 16 thí sinh đạt điểm 10; 48 thí sinh đạt 9,75; 128 thí sinh được 9,5; 318 thí sinh được 9,25 và 632 thí sinh đạt điểm 9, tổng cộng là 1.142 thí sinh;…
 

Ai trả lại công bằng cho những học sinh bị cướp chỗ học?


Thứ ba, chỉ rà soát những thí sinh trúng tuyển đại học với kết quả tổng điểm ba môn từ 24 điểm trở lên kể cả những người không nhập học.
Thứ tư, đối chiếu kết quả học tập học kỳ 1 năm học 2018-2019 của sinh viên các đại học, học viện toàn quốc có điểm trúng tuyển ba môn từ 24 trở lên, nếu phát hiện nghi vấn thì chấm thẩm định lại kết quả thi;…
Thứ năm, chọn ngẫu nhiên (bằng cách bốc thăm) một số tỉnh, thành phố thuộc ba khu vực Bắc, Trung, Nam tiến hành chấm thẩm định toàn bộ kết quả.
Trong năm phương án này, người viết cho rằng phương án ba là khả thi, tuy nhiên để giảm bớt khối lượng công việc, trước mắt có thể thí điểm rà soát những người đạt 27 điểm ba môn thuộc các tổ hợp mà thí sinh nộp nguyện vọng xét tuyển đại học và thực tế đã nhập học.
Thực hiện bất kỳ phương án nào trong 05 phương án nêu trên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, trước hết là kinh phí, sau đến nhân lực và những trở ngại “bỗng nhiên” xuất hiện.
Dù khó khăn đến mấy cũng không thể không làm bởi đây không chỉ là quyết tâm của Đảng, Nhà nước thể hiện trong Nghị quyết 29-NQ/TW mà còn là yêu cầu của nhân dân, của những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
Đã có quá nhiều kiến nghị, đề xuất của người dân được báo chí đăng tải về việc tiếp tục thanh, kiểm tra toàn diện kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 nhưng chưa thấy phản hồi chính thức nào từ phía cơ quan chức năng, tại sao vậy?

Bố mẹ có con gian lận điểm thi không xứng đáng làm cán bộ

Trong số ý kiến của nhiều độc giả gửi về báo Giaoduc.net.vn, xin trích ý kiến của bạn Lê Tuấn trong bài “Gian lận điểm thi, kiến nghị gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng”:
Giáo dục không đi trước, xã hội không tiến bộ, hiện trạng đã rõ, không phải bàn cãi. Giáo dục mà tham nhũng, gian lận, dối trá thì xã hội đi lùi, đặc biệt là về văn hóa, lối sống.
"Quốc sách hàng đầu" thì xin đừng vì một cá nhân hay một nhóm người nào cả!”.
Ngày 19/04/2019 Báo Tienphong.vn đã nêu câu hỏi: “Ai đã chi hơn nửa tỷ mua điểm ở Hoà Bình?".
Bài báo nêu tên một số lãnh đạo vào hàng cao nhất tỉnh này có con cháu tham gia kỳ thi 2018, tuy nhiên tác giả bài báo đã khá tế nhị khi không nêu con cháu bảy vị lãnh đạo (cao nhất là Phó Chủ tịch tỉnh) có được nâng điểm hay không. [1]
Sẽ là rất không công bằng nếu không rà soát lại kỳ thi 2018 trên phạm vi cả nước. 
Ngay sau khi vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang bị phát hiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn số 3060/BGDĐT-QLCL yêu cầu các địa phương tự rà soát các khâu tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. 
Sau khi “tự rà soát” không thấy địa phương nào công bố có gian lận thi cử nhưng khi Bộ Công an vào cuộc thì xuất hiện thêm hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Báo chí nói quá nhiều về “Bệnh thành tích” về sự giả dối trong giáo dục. Người viết cho rằng sự giả dối ấy bắt nguồn từ những lãnh đạo chứ không phải từ đội ngũ nhà giáo. 
Người dân nghĩ gì về phát ngôn sau đây của một số lãnh đạo:
“Kỳ thi đạt được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng” (lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo);
“Coi thi, chấm thi được thực hiện nghiêm ngặt” (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Vũ Văn Sử);
“Kỳ thi hoàn toàn nghiêm túc, thậm chí tốt hơn nhiều năm trước” (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Phạm Đăng Quang);
“Qua ba đợt kiểm tra, Hòa Bình tự tin khẳng định kỳ thi nghiêm túc” (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Nguyễn Đức Lương);… [2]
Sau khi gian lận bị lộ, hàng loạt nhân sự tham gia kỳ thi bị khởi tố, liệu phát ngôn của những lãnh đạo nêu trên có thể coi là sự giả dối đến trơ trẽn hay chỉ là vì chưa nhận được báo cáo của cấp dưới? 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng cho rằng: “Không ai thích thú gì kỷ luật, nhưng kỷ luật chính là để cảnh tỉnh, răn đe, để ai nhúng chàm thì sửa đi".
Nếu không kỷ luật những cha mẹ có con được nâng điểm thì có nghĩa là không muốn răn đe, không muốn những người “nhúng chàm” sửa chữa,…
Vậy cấp dưới đã thực hiện đúng những yêu cầu của trung ương Đảng và người đứng đầu Nhà nước cũng như mong muốn của người dân cả nước?

Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.tienphong.vn/giao-duc/ai-da-chi-hon-nua-ty-mua-diem-o-hoa-binh-1404318.tpo
[2] https://news.zing.vn/nhung-phat-ngon-nguoc-thuc-te-sau-loat-gian-lan-diem-thi-o-3-tinh-post866414.html


Xuân Dương
https://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dung-ngay-tho-hay-voi-vang-noi-60-tinh-con-lai-khong-co-gian-lan-thi-cu-post197638.gd