13 octobre 2018

Quyết định xây nhà hát TP: Sao không thăm dò ý dân?

Lê Học Lãnh Vân
 
Cận cảnh khu đất kim cương xây nhà hát ở Thủ Thiêm - Ảnh: Zing

Sau khi “TP.HCM chính thức duyệt chi dự án xây nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách” (Lao Động Online ngày 8.10.2018), có nhiều tiếng nói cất lên, kể cả ủng hộ và phản đối. Khi trong dân còn nhiều tiếng nói trái chiều, tại sao không áp dụng các biện pháp tổ chức tranh luận trên truyền thông? Và tiếp theo đó là thăm hỏi ý dân trước khi quyết định?



Thăm dò ý dân, từ một phương pháp để hiểu ý dân, ngày càng được các nhà lãnh đạo và quản lý xem như một biện pháp giúp công việc lãnh đạo và quản lý. Biện pháp này, nếu được tiến hành kết hợp với thảo luận, tranh luận rộng rãi trên truyền thông trước đó sẽ đem lại hiệu quả quản lý cao.

Việc tổ chức tranh luận trên truyền thông và thăm hỏi ý dân đem lại các lợi ích rất to lớn như sau:


1) Lợi ích của tổ chức thảo luận, tranh luận rộng rãi trên truyền thông là mời gọi ý kiến đa chiều, huy động kiến thức của dân chúng, khuyến khích sự cộng tác rộng lớn trong xã hội tìm ra giải pháp tốt nhất. Cũng đồng thời góp phần nâng cao dân trí và khuyến khích, phát triển tinh thần, trách nhiệm cộng đồng trong dân chúng. Sau các buổi tranh luận, dân chúng sẽ rõ hơn lý do, căn cứ lập luận của các quan điểm ủng hộ việc xây nhà hát TP cũng như của quan điểm chống lại, từ đó mà họ có thể cho ý kiến sát hơn với chủ đề. Tổ chức thảo luận rộng rãi và thăm dò ý kiến của dân trong các vấn đề quan trọng là hoạt động cần thiết cho lộ trình xây dựng xã hội thực sự dân chủ.


2) Lợi ích tiếp theo của việc thăm dó ý dân là biết ý dân để làm cho đúng ý đó. Ngay cả những nhà chính trị lão luyện cũng chưa chắc mình hiểu được ý dân, chỉ có một cuộc thăm dò ý dân trung thực và đúng phương pháp mới nói được ý dân như thế nào. Mục tiêu của chính quyền là phụng sự dân, không biết ý dân thì làm sao phụng sự được?


3) Lợi ích thứ ba là tính chính danh của quyết định. Các lý thuyết chính trị, dù trọng dân hay mị dân, cũng cho rằng tính chính đáng và chính danh của một quyết định chính trị được xác định khi nó làm theo ý dân và được lòng dân ủng hộ. Chỉ thăm dò ý dân mới biết chính xác ý dân.


4) Lợi ích thứ tư là một quyết định theo ý dân có xác suất cao để là quyết định đúng đắn, hữu hiệu. Xác suất này cao hơn xác suất của một quyết định không theo ý dân. Ngoài ra, khi một quyết định theo ý dân có sai lầm thì cũng dễ được dân thông cảm. Quyết định không theo ý dân mà sai sẽ gây bất mãn, phẫn uất trong dân chúng. Kết quả thăm dó ý dân sẽ ủng hộ mạnh nhất, thuyết phục nhất cho quyết định của chính quyền, và là tấm khiên an toàn cho chính quyền nếu quyết định sai. Tìm sự an toàn không phải là hèn nhát, mà để được dân ủng hộ và mạnh mẽ hơn sau quyết định được đưa ra! 


5) Thảo luận công khai và thăm dò ý dân còn giúp xây dựng lại niềm tin của dân đối với chính quyền trong trường hợp đang có những sai trái trong quản lý, nhất là trong quản lý đại dự án xây dựng Thủ Thiêm, và khi điều tra thì phát hiện bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm bị đánh mất! Có phải người ngây thơ lắm cũng biết sau những sự việc như vậy lòng tin của dân vào tính liêm chính của công quyền thành phố bị tổn hại tới đâu! Trong trường hợp hiện nay, nếu tôn trọng dân và thực sự phụng sự dân, tôi nghĩ chính quyền không nên quyết định dự án xây dựng nhà hát TP mà không thăm dò ý dân.

Không nên đổ dầu vào lửa! Không nắm chắc ý dân mà quyết định theo ý mình, trong hoàn cảnh trước mắt, là chấp nhận nguy cơ lớn. Nếu không đúng ý dân, lòng dân tất không ủng hộ. Dân chúng không ủng hộ chính quyền thì xã hội khó phát triển bền vững. Chính quyền có thể tránh nguy cơ đó bằng cách thăm dò để tránh làm ngược ý dân. Có gì thúc bách mà phải “Quá nóng vội thông qua chủ trương đầu tư nhà hát 1.500 tỉ đồng” (Vietnamnet, 9.10.2018) để chuốc lấy nguy cơ?

Chắc nhiều người biết các lợi ích nêu trên về mặt quản lý, chính trị của việc tổ chức thảo luận công khai và thăm dò ý dân. Cho dù Hội Đồng Nhân Dân đã quyết định, tôi mong chính quyền xem lại quyết định này nếu bằng biện pháp gì đó mà biết đa số người dân phản đối. Biết rằng đổi quyết định là khó khăn, nhưng nếu vì ý dân mà đổi lại chứng tỏ dũng lược vượt lên chính mình!

Lúc này, lòng tin và sự ủng hộ của dân chúng mới là cái cần được ưu tiên xây dựng!


Lê Học Lãnh Vân
https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/quyet-dinh-xay-nha-hat-tp-sao-khong-tham-do-y-dan-98550.html