Trước thềm Xuân Kỷ Hợi - 2019, từ ngày 21 đến 24/01/2019, Tập Cận Bình
triệu tập người phụ trách chủ yếu đảng chính quân các tỉnh thành khu tự trị
toàn quốc về dự “lớp nghiên cứu chuyên đề ngăn chặn hóa giải nguy cơ lớn”.
Trong phát biểu ý kiến tại “lớp nghiên cứu…”, Tập Cận Bình nêu lên “7 đại nguy
cơ” mà Trung Cộng phải đối mặt: nguy cơ chính trị, nguy cơ ý thức hệ, nguy cơ
kinh tế, nguy cơ khoa học công nghệ, nguy cơ xã hội, nguy cơ môi trường bên
ngoài, nguy cơ xây dựng đảng. Trong 7 đại nguy cơ đó, thì 5 nguy cơ chính trị,
ý thức hệ, xã hội, môi trường bên ngoài, xây dựng đảng, thực chất cũng là nguy
cơ về chính trị. Đồng thời Tập Cận Bình lại buột miệng nói ra “cần vừa cảnh
giác cao độ sự kiện “Thiên nga đen”, càng phải đề phòng phạm phải “tê giác
xám”.
Nói như vậy là vì, cái gọi là nguy cơ ý thức hệ là chỉ
Trung Cộng rất dễ bị các trào lưu tư tưởng khác như trào lưu tư tưởng dân chủ
bùng lên, hoặc bị ảnh hưởng của tình hình Vênêzuêla gần đây, nên cấm các báo
chí nhà nước, các trang mạng xã hội không được đưa tin!
Cái gọi là nguy cơ xã hội, là chỉ hiện nay đang nổi lên nhiều vấn đề dễ gây mất
ổn định xã hội. Như các mặt yếu kém của kinh tế Trung Quốc, nhất là tình hình
dịch lợn tràn lan cả nước hiện nay (Tết năm con Lợn, nhưng không được đưa tin,
nói về con Lợn trong cả dịp Tết), hoặc tình hình làn sóng thất nghiệp, thải
công nhân ở các khu công nghiệp, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày
càng cam go, có nhiều cuộc tập họp đông người, nhất là hàng ngàn cựu chiến binh
lên Bắc Kinh yêu cầu giải quyết chế độ chính sách…
Cái gọi là nguy cơ môi trường bên ngoài là chỉ quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi,
cuộc chiến thương mại đang đi vào đối kháng toàn diện, tình trạng Trung Cộng
ngày càng lâm vào thế cô lập trong quan hệ quốc tế.
Cái gọi là nguy cơ xây dựng đảng, là chỉ tình trạng các quan chức, đảng viên,
tướng tá quân đội không nghe lời, không phục tùng, thậm chí hai mặt hai lòng
không còn là cá biệt. Như hiện nay, ở nhiều nơi, người đứng đầu cấp ủy địa
phương, cấp ủy bộ ngành, đơn vị quân đội, v.v… cũng làm theo Tập Cận Bình là tự
xưng mình là “hạt nhân” lãnh đạo của cấp ủy đơn vị.
Vì vậy mà bốn mặt này đặt ngang với nguy cơ chính trị, còn lại hai nguy cơ:
Cái gọi là nguy cơ kinh tế, trong tình hình kinh tế đang trượt dốc mạnh, làn
sóng công nhân thất nghiệp, xí nghiệp đóng cửa, dân chúng bất mãn sẽ nguy khốn
đến chính quyền Trung Cộng. Bởi vì, từ vụ “lục tứ” (ngày 04/6) thảm sát
tại quảng trường Thiên An môn năm 1989 đến nay, “tính hợp pháp” duy nhất của
chính quyền Trung Cộng là được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Nhưng
hiện nay, cái cơ sở duy nhất này đang lung lay, không thể không lo sợ.
Cái gọi là nguy cơ khoa học công nghệ là chỉ, với sự chế tài của Mỹ và phương
Tây, các tập đoàn công nghệ cao như Huawei, Zte, Tấn Hoa, v.v… không cách gì
giữ được vị thế chiếm lĩnh khoa học công nghệ cao đã có, từ đó không thể giúp
Trung Cộng duy trì công trình “Thiên võng” (lưới trời) và công trình “Thiên
nhãn” (mắt trời) dẫn đến đánh mất sự linh nghiệm, hiệu nghiệm lực khổng chế đối
với 1,4 tỷ dân Trung Quốc và cả thế giới.
Kỳ thực hai mặt này, cũng là nguy cơ chính trị.
Cái gọi là sự kiện “Thiên nga đen” là chỉ sự kiện bất ngờ xẩy ra không lường
trước được, với xác suất rất thấp nhưng gây chấn động rất lớn. Như cuộc chiến
thương mại, cuộc chiến khoa học công nghệ đã gây sốc lớn đến các mặt chính trị,
kinh tế, xã hội Trung Quốc mà trước đó không ngờ tới.
Cái gọi là sự kiện “Tê giác xám” là chỉ sự kiện nhìn bề ngoài có vẻ bình
thường, yên ổn, nhưng lại ẩn chứa nguy cơ lớn. Như tình trạng bong bóng nhà
đất, đồng nhân dân tệ mất giá nặng nề, vấn đề nợ công chồng chất, và nhiều vấn
đề xã hội nóng bỏng khác, cùng tác động cộng hưởng và chưa biết sẽ nổ tung lúc
nào.
Không chỉ có thế, các chuyên gia, học giả phân tích thực trạng tình hình đã cho
rằng Trung Quốc đang lâm vào thời điểm Minsky, do sự kiện “Thiên nga đen” và
“Tê giác xám” cùng tác động sẽ gây ra.
Các đại nguy cơ đó, không phải một ngày, một tháng, một năm mà phát sinh được,
mà là những vấn đề đã tích lũy trong quá trình dài, nhất là từ sau khi Tập Cận
Bình lên nắm quyền, có nhiều vấn đề hết sức cam go, đủ để cấu thành thách thức,
xung đột với chính quyền Trung Cộng như:
1) Trong thời kỳ dài kinh tế nằm trong trạng thái sụt giảm dần.
Trong 40 năm cải cách, tốc độ tăng trường từ trên 10% năm giảm dần, nay chỉ còn
trên dưới 6%;
2) Phân phối thu nhập không công bằng và phân hóa giàu nghèo ngày
càng trầm trọng;
3) Tập đoàn lợi ích quyền quí ngày một phát triển và ngoan cố.
Hậu quả lớn nhất của cải cách mở cửa là đã hình thành những tập đoàn lợi ích đủ
cỡ lớn bé. Phần lớn trong họ đã xuất hiện hình thức nhất thể hóa Quan Thương.
Quyền lực thâm nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế thương mại, đã hình thành
cái gọi là chủ nghĩa tư bản quan gia hoặc quyền quí. Các chính sách và quyết
sách của chính phủ phần lớn đều bị thế lực quyền quí này chi phối.
4) Nông thôn suy bại, thành thị lưu động. Trung Quốc vẫn là một
xã hội kết cấu nhị nguyên, thể hiện trên nhiều mặt, nổi bật nhất là nông thôn
ngày càng suy bại, lạc hậu, thành thị ngày càng phồn vinh, hiện đại. Nhưng cái
“thành thị hóa” này là giả, không có nội dung thực chất, mà là tiến hành bằng
sự trả giá tước đoạt nông thôn. Cư dân thành thị phần lớn là lưu động, không ổn
định
5) Phân hóa xã hội và đối lập giai tầng. Không chỉ phân hóa và
đối lập thành thị nông thôn, mà còn phân hóa và đối lập giữa quan với dân, giữa
tầng lớp dưới dân thường với tầng lớp trên tinh anh, giữa các nhóm phái tư
tưởng khác nhau với tầng lớp tri thức. Cố kết hóa tầng trên với tan vụn
hóa tầng dưới. Sự xung đột va chạm giữa nội bộ mỗi tầng lớp. Tất cả dẫn đến
ngày càng khó chỉnh hợp cả xã hội lại với nhau của nhà cầm quyền.
6) Chính trị mạng viễn thông. Sự xuất hiện mạng viễn thông đã làm
thay đổi sinh thái xã hội Trung Quốc, nâng cao ý thức dân quyền trong dân
chúng, đã hình thành “chính trị mạng” riêng có của Trung Quốc. Có mạng xã hội đã
giảm các cuộc tụ tập đông người, nhưng không hề giảm sức ép của xã hội cư dân
mạng đối với các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Từ đó xuất hiện cuộc đấu tranh
giữa khổng chế mạng và quyền tự do mạng ngày càng quyết liệt, đó cũng là vấn đề
“chính trị mạng” riêng có ở Trung Quốc đang xuất hiện.
7) Mâu thuẫn Dân tộc, Tôn giáo ngày càng tăng. Vấn đề mâu thuẫn
Dân tộc chủ yếu tập trung ở hai vùng Dân tộc lớn là Tây Tạng và Tân Cương vẫn
tiếp tục căng thẳng. Còn vấn đề Tôn giáo (cả Thiên chúa giáo và Phật giáo) thì
gần đây với chính sách Trung Quốc hóa tôn giáo của Tập Cận Bình, đã triển khai
việc phá dỡ các biểu tượng của Tôn giáo như “chữ thập ác“, tượng chúa Giê su,
cờ tôn giáo, thay vào đó buộc phải treo ảnh, tượng Tập Cận Bình, cờ 5 sao trong
các nhà thờ Thiên chúa giáo. Các chùa Phật giáo cũng phải treo cờ 5 sao, ảnh
Tập Cận Bình, dỡ bỏ tượng Phật, đưa tượng Khổng tử vào thay thế, gây xáo động
lớn xã hội.
8) Thiếu sự đồng thuận giữa tham nhũng và chính trị trong xã hội.
Tham nhũng vừa là hậu quả của lạm dụng quyền lực vừa là sự thất bại trị lý quốc
gia của đảng cầm quyền. Đồng thời cũng đánh mất sự đồng thuận của công chúng
đối với chính quyền, nhất là trong tình trạng tham nhũng của Trung Cộng đã mất
kiểm soát như hiện nay.
9) Địa duyên chính trị đang ngày càng xấu đi. Với chính sách
khuếch trương ra ngoài của Tập Cận Bình dẫn đến môi trường bên ngoài và địa
duyên chính trị của Trung Quốc ngày càng tồi tệ, thậm chí đã tạo ra tứ bề thọ
địch, Trung Cộng ngày càng bị cô lập, ngày càng tăng thù bớt bạn trên trường
quốc tế.
Như vậy 7 đại nguy cơ và “Thiên nga đen”, “Tê giác xám” mà Tập Cận Bình nêu lên
đều là “đại nguy cơ chính trị”. Nói “nguy cơ chính trị”, thực chất là “nguy cơ
chính quyền”, “nguy cơ cầm quyền”, nhất là dễ xẩy ra cuộc “cách mạng màu”. “Đại
nguy cơ này” rơi vào đầu ai ? Ai là chủ thể gánh chịu? Chính là đảng Cộng sản
Trung Quốc (CSTQ), vị thế cầm quyền của Đảng CSTQ là chủ thể gánh chịu, chứ
không phải là nhân dân Trung Quốc, càng không phải là quốc gia Trung Quốc.
Trước tình hình như vậy, Tập Cận Bình không thể không lo, không thể không sợ.
Nhất là năm 2019 đối với Trung Cộng có nhiều ngày kỷ niệm quan trọng như, 70
năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa, 100 năm phong trào “ngũ
tứ”, 30 năm vụ thảm sát Thiên An môn … Hơn nữa, trong thời điểm cụ thể này lại
là lúc các địa phương đang tiến hành “Hai Hội” (Đại hội Nhân đại và Đại hội Mặt
trận), còn ở Trung ương, hội nghị TW4 đáng lẽ họp từ tháng 10/2018, nhưng vẫn
chưa họp được, mà lại tổ chức “lớp nghiên cứu thảo luận” này là rất không bình
thường, không có kế hoạch trước. Như vậy, đúng là trong tình thế quá nguy kịch,
không thể không họp, càng không thể để lùi.
Có ý kiến cho rằng, phải chăng Tập Cận Bình đã được cơ quan tình báo báo cho
biết tình hình Vênêzuêla, nên đã họp gấp, để củng cố tinh thần đội ngũ, cảnh
giác với “cách mạng màu”, thế mà ngày họp lại đúng ngày xẩy ra tình hình
Vênêzuêla. Cũng có ý kiến cho rằng, trong dư luận xã hội Trung Quốc hiện nay
đang lan truyền hiệu ứng “phùng cửu tất loạn”, “phùng cửu tất biến” (gặp năm có
số cuối là 9 tất loạn, tất biến động), nên tầng cao Trung Cộng như chim sợ cành
cong khi bước vào năm có số 9 năm 2019 này. (Năm 1949 xây dựng chính quyền Trung Cộng; năm 1959
xẩy ra nạn đói lớn trong 3 năm liền trên cả nước; năm 1969 xẩy ra cuộc chiến
biên giới Trung - Xô; năm 1979 xẩy ra cuộc chiến xâm chiếm biên giới Việt Nam;
năm 1989 xẩy ra vụ thảm sát Thiên An môn; năm 1999 mở đầu cuộc trấn áp Pháp
luân công; năm 2009 xẩy ra sự kiện 7.5 Tây Tạng, Tân Cương; năm nay 2019 sẽ xẩy
ra chuyện gì đang đồn đoán. Như vậy cứ 10 năm lại xẩy ra một sự kiện chính trị,
xã hội lớn. Có thể nói, đó là qui luật lịch sử của Trung Cộng, chứ không phải
là mê tín).
Để ứng phó với các đại nguy cơ, tại lớp nghiên cứu, Tập Cận Bình nêu lên mấy tư
tưởng chỉ đạo: vấn đề bảo đảm “an toàn chính trị” của chính quyền là số 1; phải
có tư duy kiên trì ngưỡng cuối cùng; phải sẵn sàng bài tính xấu nhất; phải giữ
vững 4 tự tin; hai bảo vệ, …
Nội hàm “an toàn chính trị” là gì ? Triệu Khắc Chí, Bộ trưởng Công an, tại Hội
nghị Cục trưởng Công an toàn quốc ngày 17/01/2019 nói: “Kiên quyết bảo vệ an
toàn chính trị quốc gia lấy bảo vệ an toàn chính quyền, an toàn chế độ làm hạt
nhân, kiên quyết bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng CSTQ và chế độ xã hội chủ nghĩa
nước ta”. Các nhà phân tích cho rằng, cảm giác không thật an toàn của chính
quyền Tập Cận Bình tựa như chưa bao giờ nặng nề như thế, nói ra thật khó tin.
Từ Đại hội 19 đến nay, có thể nói Tập Cận Bình đã leo lên đỉnh cao quyền lực,
thế nhưng quá lạc sinh bi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, kinh tế đi
vào giá lạnh, khủng hoảng xã hội tứ bề, lòng dân ngày càng bất mãn, tập quyền
cá nhân siêu cấp, đâu đâu cũng thấy nguy cơ. Cách đây không lâu, còn cao giọng
Mỹ - Trung cần cùng nhau quản thế giới, thậm chí mới mấy tháng trước, đầy khí
khái anh hùng “lấy răng đáp trả răng”, “sẵn sàng nghênh đánh đến cùng”, … thì
nay lại đưa ra những ngôn từ khác thường đến thế.
Cho nên nói “an toàn chính trị”, thực chất là “an toàn hạt nhân chính trị”, mà
“hạt nhân chính trị” là “nhất tôn” (bậc bề trên duy nhất) Tập Cận Bình. Để bảo
vệ “nhất tôn”, ngay sau ngày kết thúc “lớp nghiên cứu…”, ngày 25/01/2019, Cục
chính trị TW đã họp và ra hai văn kiện quan trọng. Văn kiện thứ nhất là “Ý kiến
về Tăng cường xây dựng chính trị của Đảng”, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hàng
đầu của xây dựng chính trị của Đảng là “bảo vệ quyền uy và sự lãnh đạo tập
trung thống nhất của Trung ương Đảng”, “tổ chức Đảng các cấp và quảng đại đảng
viên, cán bộ trước sau phải giữ vững sự nhất trí cao độ với TW Đảng lấy đồng
chí Tập Cận Bình là hạt nhân, bảo đảm ý chí thống nhất, hành động thống nhất,
nhịp đi thống nhất toàn Đảng tiến lên phía trước”. Văn kiện thứ hai là “Điều lệ
thỉnh thị báo cáo sự việc quan trọng Đảng CSTQ” yêu cầu đảng viên các cấp Đảng
CSTQ “phải thực hiện đúng việc thỉnh thị báo cáo với TW”. Trước đây, tổ chức
Đảng các cấp được phân cấp việc thỉnh thị báo cáo theo quyền hạn được phân cấp
của mỗi cấp, thì nay tất cả việc thỉnh thị báo cáo đều thống nhất về TW, mà
thực chất là về “Hạt nhân” của TW. Cũng có nghĩa là Tập Cận Bình không chỉ tập
trung quyền lực về chức danh, vị trí, mà nay tiến thêm một bước cao hơn, có
tính quyết định hơn là quyền được toàn Đảng thỉnh thị, báo cáo, cũng có nghĩa
là, toàn Đảng không được tự do tùy tiện có ý kiến, có hành động nếu chưa thỉnh
thị, báo cáo, chưa được Tập Cận Bình cho phép (Năm 1953, Mao cũng bắt đầu thực
hiện quyền lực này). Đó là trên văn bản ghi như thế, còn trong thực tiễn phức
tạp hiện nay của Đảng CSTQ và cả xã hội TQ, liệu có thực hiện được hay không
lại là một chuyện khác.
Về tư duy “kiên trì giữ vững giới hạn (làn ranh, ngưỡng) cuối cùng”, “sẵn sàng
bài tính trong tình huống xấu nhất” là thế nào? Trên văn bản chữ nghĩa không
thấy nói rõ. Nhưng từ lịch sử cầm quyền của Trung Cộng sẽ hiểu rõ sự nhất quán
về ý chí chính trị của kẻ đương quyền là “không tiếc lựa chọn mọi thủ đoạn để
giữ vững chính quyền”. Cái gọi là “tư duy ngưỡng cuối cùng của Tập Cận Bình” là
một thứ diễn đạt mới nhất về ý chí này, nói toạc ra là để giữ chặt ngưỡng chính
trị cuối cùng của chính quyền Trung Cộng, Tập sẽ không thương tiếc đột thủng
ngưỡng cuối cùng của đạo đức, văn hóa (như Mao đã làm cách mạng văn hóa, Đặng
đã làm cuộc thảm sát Thiển An môn, gây chiến với Việt Nam …). Ngày nay rất
nhiều người đều rõ, lô gích của nhân tính là, kẻ cầm quyền không bao giờ tự
động buông quyền lực. Vấn đề là ở chỗ, Tập Cận Bình để giữ chặt chính quyền
Trung Cộng, hoặc chỉ là để bảo vệ quyền vị cá nhân sẽ đột phá mức nào, đi bao
xa về làn ranh cuối cùng đạo đức? Hiện nay, xem ra ý nguyện của Tập là muốn đi
rất xa, ít nhất là xa hơn nhiều so với ý nghĩ của nhiều người vốn từng nghĩ
đến. Chính vì tham vọng lớn lao, mà Tập đã nhiều lần vượt qua làn ranh cuối
cùng, và đã phạm không ít sai lầm chiến lược quan trọng về đối nội, đối ngoại,
dẫn đến đã làm tăng khả năng xẩy ra một cuộc “cách mạng màu”. Nhưng Tập Cận
Bình và những người thuộc “quân nhà Tập” không nghĩ vậy, mà lô gich của họ là:
nếu anh không tỏ ra tư thế “thà để tôi phụ người thiên hạ, chứ không để người
thiên hạ phụ tôi” thì đã xẩy ra nhiều chuyện rồi. Đằng sau kiểu tư duy này là
ẩn chứa lợi ích nhóm cực lớn và căn nguyên lịch sử, văn hóa và xã hội sâu sắc.
Từ khi Tập lên nắm quyền, Tập đã phá vỡ nhiều giới hạn cuối cùng của thời
Giang, Hồ nắm quyền, vậy tới đây, liệu Tập có dám vượt qua ngưỡng cuối cùng đạo
đức như Mao, Đặng không? Nhiều ý kiến cho rằng, nay thời đại đã khác, sự lựa
chọn của Tập chịu sức ép của ngoại bộ và cả nội bộ là không hề nhỏ, không hề
yếu ớt. Nếu Tập làm liều, thì Tập sẽ là người bị thảm bại trước tiên.
Từ những góc nhìn như trên để thấy, những đại nguy cơ mà Tập nêu lên là có
thật, và không đứng im, không hề giảm, mà đang ngày càng mở rộng, càng cam go
hơn. Những lo lắng, khủng hoảng, tâm trạng bất an của Tập và tầng cao Trung Cộng
hiện đang ngày càng nặng nề cũng là sự thật. Những tư tưởng, giải pháp, bài
thuốc của Tập đưa ra để hóa giải các đại nguy cơ là không tương ứng với trọng
bệnh cũng là sự thật. Con bệnh không khỏi bệnh, nhưng không chết, vẫn sống ngắc
ngoải một thời gian, có lẽ cũng là sự thật trong bối cảnh hiện nay./.
Hà Nội, 10/02/2019
(Nguồn
: Tổng hợp từ ý kiến các nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc trên các trang
mạng Apolo, BBc, Apple, Đại kỷ nguyên, Boxun,… trong 2 tháng qua).
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/bay-dai-nguy-co-cua-trung-quoc