Báo chí bắt đầu từ tháng bảy cho đến những ngày gần đây vẫn đưa tin nhân
“Kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô”, thành phố Hà Nội chủ trương bắn pháo hoa
tại 30 điểm.
Rất nhiều ý kiến đã phản đối chương trình này. Lý do chính được nêu lên là
quá lãng phí trong khi có nhiều việc cần làm hơn.
Bản thân tôi cũng phản đối việc làm lãng phí và không cần thiết ấy. Nhưng ở
bài này tôi chỉ bàn khía cạnh khoa học của vấn đề, vì thấy rằng đã có sự hiểu
sai từ quan niệm.
Tất cả các báo đưa tin việc tổ chức sự kiện này đều gọi là ngày “Giải phóng
thủ đô”. Không có báo nào cho biết đây là quyết định của cấp nào. Nhưng theo
suy đoán của tôi thì phải bắt đầu từ Sở Văn hóa Hà Nội đề xuất. Và quả thật báo
đã đưa tin ông Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội phát biểu về vấn đề này. Điều đáng
chú ý nhất là ông Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội Tô Văn Động nói rằng “đây là sự
kiện lớn của đất nước chứ không riêng Hà Nội”.
Theo tôi, nếu coi ngày 10-10-1954 là một sự kiện lớn để năm nay kỷ niệm 60
năm có những điều không ổn sau đây:
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp định Geneve. Và hiệp
định Geneve dẫn đến việc quân đội Pháp phải rút khỏi Bắc Việt Nam. Hiệp định
Geneve cũng dẫn đến hàng loạt sự kiện khác. Năm 2014 này Việt Nam đã kỷ niệm 60
năm Điện Biên Phủ, 60 năm Hiệp định Geneve, nếu cứ theo logic kỷ niệm “ngày
giải phóng” thì tất cả tỉnh thành còn lại ở miền Bắc cũng sẽ có một lễ “kỷ niệm
ngày giải phóng” như Hà Nội. Đó là một điều “trái tự nhiên”, vì thực ra không
mấy ai để ý các sự kiện này, khi sự kiện diễn ra chỉ có mỗi việc người Pháp làm
thủ tục bàn giao hay tự bỏ đi.
2. Sự kiện 10-10-1954 không phải là sự kiện lớn. Bộ sách Lịch sử Việt Nam
mới xuất bản vừa đây (2013) gồm 4 tập, tổng cộng 3276 trang, là một công trình
tương đối bề thế và công phu, không dành cho ngày 10-10-1954 như một sự kiện
lớn. Việc tiếp quản các vùng Pháp rút quân ở miền Bắc được trình bày tất cả có
4 trang + 1 trang hình ảnh. Riêng sự kiện ngày 10-10-1954 tại Hà Nội chỉ được
nói trong 5 dòng + hai hình ảnh minh hoạ.
Trong công trình Tiến trình lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Ngọc (NXB
Giáo dục, 400 trang ), sự kiện 10-10-1954 của Hà Nội không được đề cập mà chỉ
được nói chung một trong mục nhỏ (đánh dấu hoa thị) là “Tiếp quản miền Bắc” với
dung lượng nửa trang sách.
Các bộ sử nhỏ hơn như Lịch sử Việt Nam của Trần Văn Nam (Nxb Thời đại, 509
trang), Tóm tắt niên biểu Lịch sử Việt Nam của Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức (Nxb
Văn hóa thông tin, 272 trang) đều không nhắc gì đến sự kiện này.
3. Xét về ngôn từ, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Nxb Đà
Nẵng & Trung tâm Từ điển học) thì giải phóng là một động từ có các nghĩa:
1. Làm cho được tự do, làm cho thoát khỏi tình trạng bị nước ngoài nô dịch,
chiếm đóng: Giải phóng đất nước. Phong trào giải phóng dân tộc. Khu giải phóng
; 2. Làm cho được tự do, cho thoát khỏi địa vị nô lệ hoặc tình trạng bị áp bức,
kiềm chế, ràng buộc: Giải phóng nô lệ. Giải phóng phụ nữ. Giải phóng sức sản
xuất ; 3. Làm cho thoát khỏi tình trạng bị vướng mắc, cản trở: Kéo cây đổ sang
một bên để giải phóng lối đi. Thu dọn vật liệu rơi vãi, giải phóng mặt bằng.
Giải phóng nhanh để tăng khả năng vận chuyển ; 4. Làm cho thoát ra một chất nào
đó hay năng lượng: Phản ứng hóa học giải phóng một chất khí. Nguyên tử giải
phóng năng lượng của nó.
Nghĩa nào của từ giải phóng thì cũng mang nghĩa chung là “làm cho thoát
khỏi” một tình trạng nào đó. Tức là phải có một hành động tác động vào đối
tượng để thay đổi tình trạng cũ.
Nếu quân đội Việt Nam tấn công quân Pháp, chiến thắng và giành quyền kiểm
soát Hà Nội thì mới gọi là giải phóng. Chứ ở đây quân Pháp trao trả Hà Nội.
Theo nghĩa rộng thì cũng là giải phóng nhưng theo nghĩa hẹp – nghĩa chính xác
áp dụng cho sự kiện 10-10-1954 – thì không nên gọi là giải phóng. Hành động của
chính quyền thuộc địa Pháp đối với thành phố Hà Nội ngày 10-10-1954 được gọi
vẫn được gọi là bàn giao, còn đối với chính phủ Việt Nam thì gọi là tiếp quản.
(Tiếp quản: thu nhận và quản lý cái của đối phương giao lại: Bộ đội tiếp quản
thành phố. Tiếp quản nhà máy. – Từ điển tiếng Việt). Việc bàn giao và tiếp quản
Hà Nội nhìn chung diễn ra thuận lợi, theo đúng thông lệ và sự thỏa thuận, cho
nên càng không thành một sự kiện lớn.
Nói về sự kiện 10-10, trong tập 4 của bộ Lịch sử Việt Nam 3276 trang nói
trên, từ “tiếp quản” được dùng 7 lần, từ “giải phóng” chỉ được dùng có 1 lần.
Trong Tiến trình lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Ngọc, cả hai lần đều dùng từ
“tiếp quản”. Trong Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 3, Lê Mậu Hãn chủ biên (NXB
Giáo dục, 2003), dùng từ “giải phóng” nhưng dùng theo nghĩa rộng: “Việc tiếp
quản vùng mới giải phóng nhất là các thành thị, hoàn toàn tốt đẹp. Ngày
10-10-1954, Hà Nội được giải phóng”.
Thực tế trước khi có chủ trương “kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô” năm
nay, cách gọi trên các văn bản chính thứcnhìn chung vẫn gọi là ngày “tiếp quản
thủ đô”. Tất nhiên vẫn có cách gọi là ngày “giải phóng thủ đô” nhưng đó chỉ là
số ít, theo nghĩa rộng và nhìn chung là không chính thức. Tôi vẫn nhớ thời học
cấp 1 (những năm giữa đến cuối thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước) có bài “Hà Nội
ngày tiếp quản”.
Như vậy việc tổ chức kỷ niệm lớn ngày 10-10 trước hết xuất phát từ việc
hiểu sai vấn đề. Đây dứt khoát không phải là sự kiện lớn. Đây chỉ là một sự
kiện nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với các sự kiện trong khoảng 1945 – 1954 như ngày
Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, như chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, chiến dịch
biên giới thu - đông 1950, … Ngày 10-10-1954 chỉ là ngày tiếp quản Hà Nội, do
đó không nên tổ chức kỷ niệm linh đình. Mặt khác để đánh dấu “60 năm” hoà bình
lập lại trên miền Bắc thì ít nhất vừa qua đã kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ, 60
năm hiệp định Geneve rồi. Nếu tổ chức kỷ niệm lớn “60 năm giải phóng thủ đô”
thì không biết sẽ còn bao nhiêu sự kiện “60 năm” khác. Việc bắn pháo hoa với
quy mô “hoành tráng” do đó lại càng không nên.
Đ.T.T