Một căn nhà ở Thủ Thiêm nằm trơ trọi giữa um tùm lau sậy, ngổn ngang đất đá của nhà cửa đã bị đập phá thời gian qua. Ảnh: Trung Dũng |
Hội đồng nhân dân TP.HCM trong phiên họp bất thường ngày 8.10.2018 đã biểu
quyết 100% thông qua dự án đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch tại
Khu đô thị Thủ Thiêm, nguồn kinh phí 1.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Quyết định này đã làm dấy lên nhiều phản ứng của người dân thông qua mạng
xã hội và những ý kiến trên báo chí xoay quanh hai
vấn đề: 1. Thủ Thiêm là khu vực đang “nóng” do những sai phạm về đất đai của
chính quyền thành phố gần 20 năm qua; 2. Sự cần thiết của công trình văn hóa
này so với nhu cầu bức thiết về những công trình dân sinh khác như bệnh viện,
đường xá...
TP.HCM trong quá trình “hiện đại hóa” rất cần xây dựng thêm những công
trình dân sinh và công trình văn hóa... phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần
trước mắt cũng như lâu dài cho người dân. Khu vực nào, lĩnh vực nào cũng mong
được “ưu tiên” phát triển, tuy nhiên sức ép từ vị trí “trung tâm kinh tế” của
cả nước khiến nhiều năm nay trong lĩnh vực an sinh xã hội và văn hóa, thành phố
hầu như không được xây dựng công trình nào đáng kể. Chưa nói đến sự phá hủy,
xuống cấp của hầu hết công trình xây dựng từ trước năm 1975.
Tuy nhiên quy hoạch Thủ Thiêm trở thành một đô thị hiện đại, văn minh với
nhiều công trình hoành tráng gồm quảng trường, trung tâm tài chính, nhà hát,
bảo tàng, sân vân động, nhiều khu cư trú cao cấp... lại được xây dựng trên
những sai phạm, thậm chí là tội ác trong quản lý đất đai và hành xử với người
dân Thủ Thiêm. Ở đây bao nhiêu con người, ruộng vườn, xóm làng, đình chùa, nhà
thờ… hiện hữu gần hai trăm năm đã bị gần như giải tỏa “trắng”. Bao nhiêu số
phận con người và một phần lịch sử thành phố bỗng nhiên như không còn hiện hữu
trong những bản quy hoạch lạnh lùng vô cảm.
Nhiều năm nay những vụ việc của “dân oan Thủ Thiêm” không được các đại biểu
Hội đồng nhân dân quan tâm, từ khi “ung nhọt” quy hoạch Thủ Thiêm được công
khai cũng chưa có một phiên họp “bất thường” nào của Hội đồng nhân dân ra “nghị
quyết” để chính quyền phải giải quyết nhanh chóng và triệt để, bao nhiêu bức
xúc oan khuất của bà con còn đó... Cho nên việc Hội đồng nhân dân
TP.HCM quyết định xây một công trình đồ sộ về quy mô và kinh phí quá lớn tại
Thủ Thiêm trong thời điểm này trước hết là không phải đạo
với bà con Thủ Thiêm nói riêng và nhân dân thành phố nói chung. Sau nữa,
một phiên họp bất thường của Hội đồng nhân dân TP.HCM nhằm quyết định “ngay và
luôn” việc chi đến 1.500 tỷ đồng cho một “dự án nhóm A”, dù có vài dự án quan
trọng khác cũng cả nghìn tỷ “đi kèm”, thì vẫn thể hiện sự vô tâm, vô cảm của
các “đại biểu nhân dân” đối với vấn đề đất đai đặc biệt nhức nhối của thành phố
và rất nhiều vấn đề bức xúc khác hiện nay.
Sự phản ứng của dư luận là do quyết định “bất thường” kém nhạy bén về chính
trị và thiếu nhân văn này!
***
Đây không phải là lần đầu tiên những quyết định của chính quyền, của cơ
quan dân cử như Hội đồng nhân dân TP.HCM hay Quốc hội không nhận được sự đồng
thuận của nhân dân mà còn bị phản ứng, thậm chí gay gắt. Có thể lấy vài ví dụ
từ việc nhỏ đến việc lớn, quy mô từ tầm địa phương đến cả nước.
Ở TP.HCM, việc nhỏ như màu sơn của tòa nhà Bưu điện, lớn hơn chút như
việc phá Dinh Thượng Thơ, lớn hơn nữa như xây Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch
tại Thủ Thiêm. Ở tầm quốc gia thì việc lớn như dự thảo Luật Đặc khu, trong lĩnh
vực giao thông là các BOT... đến việc “nhỏ xíu” mà ảnh hưởng không hề nhỏ là
hai lần tăng giá xăng ngay trong những ngày quốc tang vừa qua... Bỏ qua một bên
“thuyết âm mưu” về lợi ích của một, vài nhóm nào đó, phản ứng của người dân đều
bắt nguồn từ thực tế: những sự việc như vậy đã làm thiệt hại đến quyền lợi của
người dân về vật chất và tinh thần, ở những mức độ khác nhau, cả trước mắt và
lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp với địa phương này và gián tiếp với địa phương
khác.
"Sự tồn tại của chính quyền
không phải dựa trên những “công trình nghìn tỷ” mà phải được nâng đỡ bởi niềm
tin của nhân dân. Một chính quyền “của dân” không phải chỉ “vì dân” bằng ngôn
từ mà luôn cần thấu hiểu và hành động thực sự vì dân."
Nguyễn Thị Hậu
Vì sao những chính sách, việc làm “vì nhu cầu của người dân” như chính
quyền các cấp giải thích, lại vấp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận? Từ
vài trường hợp liên quan đến di sản đô thị Sài Gòn có thể phân tích hiện tượng
này.
Cách đây vài năm, khi tòa nhà Bưu điện thành phố được sơn lại chỉ mới một
mảng nhỏ, lập tức có nhiều ý kiến cho rằng đó không phải là màu sơn “truyền
thống”, quen thuộc của công trình này. Mặc dù kinh phí thực hiện việc sơn sửa
công trình không phải từ ngân sách nhà nước mà được tài trợ, nhưng lãnh đạo Bưu
điện thành phố đã kịp thời ghi nhận ý kiến của người dân và các chuyên gia kiến
trúc, bảo tồn, sau đó nghiên cứu lại màu sơn tường, cửa sổ cũng như những sửa
chữa trong nội thất... Kết quả đã đảm bảo tính khoa học của việc trùng tu, tòa
nhà Bưu điện không trở nên xa lạ với tâm thức của cộng đồng, do đó giá trị lịch
sử - văn hóa được bảo tồn và nâng cao hơn khi người dân thành phố coi đó là “di
sản của mình”.
Phản ứng của nhiều tầng lớp nhân dân với quyết định đập bỏ Thương xá Tax,
chặt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng hay mới đây là đập bỏ công trình Dinh
Thượng Thơ để “mở rộng, nâng cấp trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
TP.HCM”..., cùng nhiều trường hợp khác cũng từ nguyên nhân tương tự: đó là
hành động xâm hại, phá hủy di sản và tài sản đô thị (về mặt vật chất) và xóa bỏ
lịch sử thành phố, ký ức cộng đồng (về mặt tinh thần).
Xung quanh việc bảo tồn di sản của thành phố cũng có ý kiến cho rằng, để
hiện đại thì cần phải “hy sinh” di sản, rồi đánh giá hình thức kiến trúc của
các công trình này không có gì đặc biệt, hay như Dinh Thượng Thơ thì ít người
biết đến trước khi có ý định đập bỏ, có nghĩa là giá trị lịch sử của nó không
cao... Tuy nhiên cần đặt những kiến trúc này vào bối cảnh của lịch sử đô thị
Sài Gòn chỉ hơn 100 năm, trong tương quan với cảnh quan khu trung tâm hiện nay,
vì chỉ mới hơn mười năm gần đây khu vực này đã mất gần hết các công trình đặc
trưng của Sài Gòn. Cần đặt bảo tồn di sản trong bối cảnh từ sau năm 1975 đến
nay, những biến động và thay đổi lớn về dân cư, về cảnh quan... đã làm biến mất
nhiều đặc trưng lịch sử - văn hóa đặc sắc của thành phố này! Có như vậy mới
thấy hết giá trị và có cách ứng xử phù hợp đối với di sản.
Mặt khác, khi cộng đồng chưa hiểu biết giá trị của những công trình lịch sử
- văn hóa dù ít “nổi tiếng”, có thể chưa đồng thuận trong việc gìn giữ di sản
thì không có nghĩa là chúng không có giá trị, mà đó là do các chính quyền, nhà
quản lý, nhà chuyên môn chưa làm tốt chức trách của mình.
Thái độ của chính quyền, của nhà quản lý trước những phản ứng của cộng đồng
là không nên coi ý kiến của người dân phản ánh bằng nhiều hình thức khác nhau
(trên báo chí, mạng xã hội hay tập hợp chữ ký trong một văn bản) về các vấn đề
xã hội là “hành vi mang tính cảm xúc”. Cần tôn trọng những phản ứng này vì đã
thể hiện sự quan tâm, hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là
giới trẻ. Cũng cần tôn trọng cảm xúc của cộng đồng, vì đó chính là tình cảm, sự
gắn bó với thành phố. Nếu không có trách nhiệm và tình cảm của người dân đối
với thành phố thì chính quyền không thể “quản lý” được. Ý thức của cộng đồng
càng cao thì vai trò và trách nhiệm quản lý của chính quyền càng phải cao hơn.
Từ góc độ xã hội “phát triển bền vững”, một hành động vô cảm dù nhỏ của
chính quyền cũng gây ra thiệt hại tinh thần cho người dân là không thể đong đếm
và nguy hiểm gấp nhiều lần sự thiệt hại về vật chất. Đó là sự tổn hại niềm tin
vào lẽ công bằng, vào sự tôn trọng con người và tính chính danh của chính
quyền. Sự tồn tại của chính quyền không phải dựa trên những “công trình nghìn
tỷ” mà phải được nâng đỡ bởi niềm tin của nhân dân. Một chính quyền “của dân”
không phải chỉ “vì dân” bằng ngôn từ mà luôn cần thấu hiểu và hành động thực sự
vì dân.
Sài Gòn, 9.10.2018
Nguyễn Thị Hậu