01 octobre 2018

Nói một đường làm một nẻo


Thiện Tùng



Nhựt ngán Mỹ nói rồi mới làm, Mỹ ngán Nhựt làm rồi mới nói, Nhựt ngán Trung không nói mà làm và  tất cả đều ngán Việt Nam nói một đường làm một nẻo.



Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh chỉ bảo đồ đệ nhiều điều nhân văn lắm: “Cần, kiệm, liêm, chính”, chí công vô tư”; “Cán bộ là đày tớ của dân”; “Cán bộ cười sau khóc trước dân”; “Chính quyền của dân, vì dân, do dân”; “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”; “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”; “Lực lượng vũ trang (Quân đội+Công an) phải trung với nước, hiếu với dân”.v.vTrước khi qua đời, về đời tư, Người còn viết trong di chúc những điều rất cụ thể, sâu sắc, đại loại: Khi tôi qua đời hãy thiêu xác tôi; Tổ chức lễ tang theo nghi thức thông thường, không phúng điếu linh đình hao tốn tiền của của nhân dân; Điều tôi mong muốn tột bực là: đất nước được độc lập, người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”



 Mặc dầu sức đã yếu, trước giờ nổ súng tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu thân 1968, Cụ Hồ còn đích thân tuyên đọc lời kêu gọi (theo thể thơ 7 chữ) rất xúc tích để khích quân và dân lao vào trận chiến:“Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua / Thắng trận tin vui khắc nước nhà / Nam Bắc thi đua diệt giặc Mỹ / Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.



Trận chiến Tết Mậu thân kết quả không theo mong muốn. Có lẽ buồn về sự bất thành ấy, Cụ Hồ yếu dần rồi qua đời vào ngày 2/9/1969 – trùng với ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9.



Như đã nói ở đoạn mở đề, Lãnh đạo Việt Nam có thuộc tính “Nói một đàng làm một nẻo” khiến cho chẳng những trong nước mà cả thế giới sợ luôn. Họ nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng: Họ ngợi ca Cụ Hồ mút mây xanh; hết đợt nầy đến đợt khác, họ hò hét phải học tập đạo đức và làm theo những gì lãnh tụ Hồ Chí minh chỉ dạy. Thực tế thì sao? – “biết rồi, nói mãi, khổ quá!”.



Người viết chỉ nhắc lại 2 việc mà, nhứt là lớp trẻ, chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ:



1/  Cụ Hồ mất ngày 2/9/1969, có lẽ sợ ngày Quốc tang trùng với ngày Quốc khánh không “hên”, giới lãnh đạo Đảng cãi tử hoàn sinh cho Cụ Hồ thêm 1 ngày – lúc bấy giờ giới lãnh đạo Bắc Việt Nam thông báo Cụ Hồ mất lúc 9 giờ ngày 3/9/1969. Mãi đến sau 1975, trước áp lực nội bộ và công chúng cả 2 miền, lãnh đạo Đảng rỉ rén nói thật về ngày chết của Cụ Hồ. Kẹt nỗi: Không lẽ cùng một ngày vừa kỷ niệm Quốc khánh vừa kỷ niệm ngày mất của lãnh tụ Hồ Chí Minh - người được mệnh danh khai sinh nước Việt Nam. Có lẽ vì vậy, từ sau 1975 đến nay đành phải để việc kỷ niệm ngày mất của Cụ Hồ chìm trong quên lãng.



2/ Trong Di chúc Cụ Hồ dặn thiêu xác sau khi ông chết. Thế mà người ta cho ướp xác Ông, tốn biết bao tiền của của nhân dân trong việc xây lăng, canh gác bảo vệ xác … trong suốt 47 năm qua (1969-2018).



Có lẽ không hài lòng trước việc không tôn trọng ý nguyện sau cùng của Cụ Hồ và việc ướp xác, giữ xác tốn quá lớn cũng trái với ý Cụ Hồ, Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu bạo mồm bóng gió đại ý: “Khi người ta qua đời, nếu có thương tiếc, thì cầu mong cho họ sớm siếu thoát, chớ đừng bắt họ “sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”thế là chạm “nọc”, ông Châu bị ném đá túi bụi, nhứt là bài “Ngô Bảo Trâu – kẻ ăn cháo đá bát” .



Nhìn hai ảnh dưới khác nhau một trời môt vực – Chủ vậy đó! Tớ vậy đó! (1)

 Chủ

Sau khi qua đời, chị Lò thị Phanh được người em trai Lò văn Pe bó đệm, để nằm ngang sau xe mô-tô, chở ngay về quê hương Bắc Kạn gia tang - Ảnh Facebook.


 Tớ

Sau khi qua đời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được Đảng cử hành quốc tang  rồi cho đoàn xe ô-tô  đưa về quê hương Ninh Bình chôn cất - Ảnh Facebook

Cầm quyền mà “nói một đàng làm một nẻo” cứ lặp lờ đánh lận con đen. Cũng phải thôi vì hễ làm gian thì phải lấy nói dối để tự vệ - dối với nhau, dối với dân, dối vượt biên giới. Nói dối đã trở thành thói quen, nói dối không chớp mắt, không còn biết xấu hổ là gì, riết rồi không còn biết đâu là thật, đâu là giả, không biết dựa vào đâu, tin ở ai nữa!.

 Những cựu quan chức có phẩm hạnh tốt lần lượt qua đời hoặc đang ngất ngư, khiến tôi càng ngày càng thiếu bạn tâm giao, đang nghĩ về cái chết. Nhân đây, xin giới thiệu lời dặn đối với gia đình (theo thể thơ) của 2 người bạn tâm giao của tôi: 

 1/ Ông Phạm văn Kim (Bảy Kim), cựu trưởng Giáo Dục Khu Trung Nam bộ trong thời chiến, cựu Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Tiền Giang thời bình (sau 1975). Trước khi chết, ông viết bài thơ được gia đình treo cạnh tờ cáo phó:


Ý nguyện sau cùng  

Cuối đời đến lúc phải đi xa,

Tang lễ giản đơn chớ rườm rà,

Bà con chòm xóm đốt nhang viếng,

Miễn điếu, miễn quà, miễn tặng hoa.



Bè bạn tâm giao sầu tiễn biệt,

Cháu con mặc niệm, khóc tang gia.

Thiêu xác phong trần về cát bụi,

Hồn thiêng nương tựa chốn trăm hoa.  (PVK)



*



2/ Ông Phạm văn Đúng (Ba Đúng), cựu trưởng Văn phòng Ban Tuyên Huấn Mỹ Tho trong thời chiến, Phó Văn phòng Tỉnh Ủy Tiền Giang thời bình, hiện ông đang sống dở chết dở. Cách đây hơn năm, sợ khi chết Ban lễ tang bày vẻ, dài dòng, “tô son trét phấn” cho ông quá sự thật, ông tự viết điếu văn để sẵn, và cậy tôi làm bài thơ na ná như bài thơ của ông Kim ( viết theo nội dung được ông gợi ý trước). Tôi chấp bút, viết và ông đã duyệt): 



Trăn trối



Trước lúc lìa đời xin ĩ ôi: (2)

Vùi sâu đáy mộ xác thân tôi,

Nhạc lễ chẳng cần, không  tụng lạy…

Phúng điếu xin đừng – phiền phức thôi.



Chế độ từ trần vui chấp nhận.

Quà người Cao tuổi ấm hồn tôi.

Mấy lời trăn trối khi lìa thế.

Ước nguyện sau cùng bấy nhiêu thôi... (PVĐ)



30/9/2018

    T.T


-------

Chú thích:

(1) Cụ Hồ nói: “Cán bộ là đày tớ của nhân dân”



(2) “ Ĩ ôi”  với nghĩa: yêu cầu, nan nỉ, van xin…. Vì chết là hết, ai muốn làm gì thì làm, như trường hợp Hồ Chí Minh chẳng hạn – Lúc trình duyệt, anh Đúng hơi phân vân về 2 chữ “ĩ ôi”. Khi nghe tôi lý giải, Anh ưng ý giữ chúng.