Báo Bưu điện Hoa
Nam buổi sáng (SCMP) ngày 5.10 dẫn nguồn tin giấu tên, nói người đứng đầu cơ
quan Cảnh sát quốc tế - Interpol là Mạnh Hoành Vĩ đã bị Ủy ban Kiểm tra-kỷ luật
trung ương (CCDI) bắt ngay khi ông này về thăm quê hương Trung Quốc ngày 29.9.
AP không thể liên lạc được với CCDI, trang web của CCDI không có tuyên bố nào về ông Mạnh, 64 tuổi. Chính quyền Trung Quốc đang trong mùa lễ quốc gia, không bình luận về việc ông Mạnh mất tích.
Người phát ngôn Interpol nói có nắm thông tin của SCMP, nhưng không bình luận và không nói liệu chính quyền Trung Quốc có bắt giữ ông Mạnh hay không. Ngày 5.10, vợ ông Mạnh báo không nhận được tin của chồng bà, từ khi ông rời khỏi nhà riêng ở Lyon (Pháp), nơi Interpol đặt trụ sở.
Cảnh sát Pháp đã vào cuộc điều tra.
Theo AP, ông Mạnh có lý lịch trong sáng, đã giữ nhiều chức vụ trong ngành công an Trung Quốc, làm Thứ trưởng Bộ Công an từ năm 2004. Trong thời gian đó, ông còn là chỉ huy phó các lực lượng cảnh sát biển, trong khi vẫn kiêm nhiệm vai trò ở Interpol.
Các nhiệm vụ của ông Mạnh ở quê nhà giúp ông thân cận các cựu lãnh đạo đã “ngã ngựa” trong cuộc bài trừ tham nhũng của ông Tập. Ví dụ ông thân cận cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người đã bị tuyên án tù chung thân do tham nhũng và lạm quyền.
Ông Tập còn đặt trọng tâm là đem những quan chức và doanh nhân gian lận, tham nhũng ở nước ngoài về Trung Quốc, trong chiến dịch “săn cáo”, điều khiến vị thế của ông Mạnh cũng rất nhạy cảm, theo AP.
CCDI gần đây là đề tài trên trang nhất các báo, sau khi nữ diễn viên điện ảnh Phạm Băng Băng mất tích 3 tháng. Ngày 4.10, ngành thuế Trung Quốc công khai sự mất tích của cô, buộc công ty đại diện và cô phải nộp số tiền thuế và tiền phạt tổng cộng 130 triệu USD.
Riêng cô Phạm bị phạt 70 triệu USD về tội trốn thuế. Cô vẫn tránh mặt, ra tuyên bố xin lỗi về cách hành xử của mình.
Sự vắng mặt của ông Mạnh không tác động đến hoạt động cảnh sát quốc tế vốn do Tổng thư ký của Interpol chịu trách nhiệm điều hành.
Interpol thường giữ kín tiếng khi hoạt động, kết nối với cảnh sát của 192 quốc gia thành viên vốn có thể nhờ Interpol phát lệnh truy nã kẻ đào tẩu hoặc người mất tích. Mỗi nước thành viên chỉ thông báo rộng rãi cho mọi người biết bằng cách phát “cảnh báo đỏ”, tức tương đương lệnh truy nã quốc tế, còn “cảnh báo vàng” dùng để báo tìm người mất tích.
Nhưng Interpol đứng giữa lằn ranh mong manh giữa nhiệm vụ - tạo điều kiện dễ dàng cho sự hợp tác giữa các cơ quan cảnh sát các nước với nhau – với chính trị ở một số quốc gia thành viên.
Ông Mạnh là người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm Giám đốc Interpol hồi tháng 11.2016, nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm 2020. Ông làm lãnh đạo Interpol vào lúc ông Tập tiến hành bài trừ tham nhũng, nên các tổ chức nhân quyền đã cảnh giác, lo ngại ông có thể dùng vai trò này để giúp chính quyền Trung Quốc theo dõi những người đối lập sống lưu vong ở nước ngoài.
Nếu có các hoạt động này, thì ông Mạnh đi ngược lại tuyên ngôn nhiệm vụ của Interpol: “Hành động trong khuôn khổ luật pháp của các nước khác, và theo tinh thần của Tuyên bố Nhân quyền”. Tuyên ngôn của Interpol còn cấm “can thiệp hoặc hoạt động vào các vấn đề chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc”.
Trung Trực (theo AP)