03 avril 2019

Bàn nhân sự của kẻ quyết số mệnh và một lần nữa dân ta đứng ngoài lề

Nguyễn Hiền


VNTB - Dù sao đi chăng nữa, thì do bàn nhân sự không ở nhân dân, nên câu chuyện đấu đá hay gió đổi chiều cũng thuần túy trong nội bộ Đảng. Phe này thắng, hay phe kia thua, nếu giữ nguyên cơ chế bầu cử, thì nhân dân cũng đều bại.



Sang năm là đại hội các cấp, bây giờ bắt đầu bàn nhân sự rồi, phải hết sức cảnh giác...


Dân ta đứng ngoài lề


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Sang năm là đại hội các cấp, bây giờ bắt đầu bàn nhân sự rồi, phải hết sức cảnh giác, phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa ý nghĩa, vị trí quan trọng của công tác xây dựng con người, tổ chức, phương thức lề lối làm việc…”.

Quan điểm trên đã được đề cập vào ngày 21.3, tại Trụ sở T.Ư Đảng, nơi tập hợp những con người tinh hoa của ĐCSVN với tên gọi Bộ Chính trị.

Nhân sự ĐH XIII là bản chính của nhân sự quốc gia theo đúng nghĩa một đảng cầm quyền và đảng cử dân bầu. 

“Bàn nhân sự, cảnh giác nhân sự, ý nghĩa nhân sự, xây dựng nhân sự, tổ chức nhân sự” hoàn toàn vắng bóng người dân trong khâu này, trong khi nhân sự được thông qua lại là nhóm người quyết định số mệnh và tương lai của phần lớn người dân.

Câu chuyện nhân sự chủ chốt thời hiện nay không khác gì câu chuyện Pháp chỉ định Đốc lý thành phố (tương đương Chủ tịch thành phố) tại Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, ít ra thời Pháp còn dành một chút dân chủ cho người Việt, khi mà tại Sài Gòn, người đứng đầu thành phố được bầu theo quy chế phổ thông đầu phiếu, và người Việt có thể tự ứng cử. Sự dân chủ này được mở rộng đến mức, một Đảng viên ĐCSVN thời kỳ này đã lọt vào được Hội đồng thành phố Sài Gòn, mà nếu theo ngôn ngữ “cụ Cả”, thì đây chính là sự thiếu cảnh giác trong nhân sự, để thành phần tự chuyển biến, tự chuyển hóa lọt vào hàng ngũ cấp cao.

Trở lại với câu chuyện nhân sự, sẽ rất khó để hiểu thực sự cái quyền lực nhân dân là gì khi mà bản thân quyền lực đó chỉ mang tính hình thức và thực tế của nó chỉ là sự gói gọn mười mấy con người. Nhưng điều đó đã cho thấy rằng, khi nào còn sự quyết định số mệnh nhân sự kiểu như trên, thì khi đó, số phận của đại đa số người dân bị quyết định bởi ý chí chủ quan của những con người với đầy óc đa phần mưa mô nhưng lại thiếu tầm nhìn.


Nhân sự: cảnh giác, cảnh giác vì sao?


Năm 2012, Đà Nẵng tiễn “người con của thành phố”, ông Nguyễn Bá Thanh ra T.Ư để nắm giữ chức vụ Trưởng Ban nội chinh T.Ư. Trong buổi tiếp xúc cuối cùng với tư cách Trưởng đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng vào tháng 4/2013, ông Thanh đe dọa: bắt nhốt hết những kẻ tham nhũng, và ông cũng “sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”.

Quan điểm của ông Nguyễn Bá Thanh là phù hợp với ý chí của ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó, người mới bước vào nhiệm kỳ đầu tiên của chức vụ Tổng Bí thư ĐCSVN. Nhưng nguy cơ tham nhũng, hay thậm chí lời đe dọa “bắt hết, nhốt hết” của ông Nguyễn Bá Thanh, mặc dù đạt được sự đồng thuận từ ông Trọng, thì quan điểm này lại chống lại những thành phần tinh hoa khác trong bộ máy T.Ư ĐCSVN. Và cùng với ông Vương Đình Huệ (một nhà kỹ trị có tầm nhìn về kinh tế), ông Nguyễn Bá Thanh dù được giới thiệu, nhưng tại Hội nghị T.Ư 7, cả hai ông đều không được ngồi vào ghế Ủy viên Bộ Chính trị. Sự rớt ghế này, khiến ông Trọng phải bày tỏ sự không hài lòng nhân danh T.Ư, và rằng, “so với yêu cầu về số lượng thì chưa đạt”.

Sâu xa của câu chuyện này bắt nguồn từ thời kỳ mà tham nhũng chằng chịt, mỗi vị ngồi trong T.Ư ĐCSVN không nhiều thì ít đều có nhúng chàm về đạo đức cách mạng, và do đó, lời đe dọa “bắt nhốt hết” của ông Bá Thanh trở thành một lưỡi dao kề vào cổ từng vị đảng viên cấp cao, và hệ quả là ông Thanh ra đi sớm hơn dự định. “Bắt nhốt hết”,  cũng là câu chuyện dẫn đến kết quả bỏ phiếu kỷ luật đồng chí X không thành công. Rõ ràng, trong lần chơi đầu tiên về chống tham nhũng, ông Trọng đã thua, và nó khiến ông phải tập tính nhẫn nhịn chịu nhục như Việt Vương Câu Tiễn, đến mức dư luận đặt hỗn danh cho ông là “Trọng Lú”, nhưng thời kỳ này là thời kỳ ông Trong thâu vắn lại quyền lực, để rồi đến ngày hôm nay, tạo ra thế đốt lò với quyền lực trong tay.

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng biết nhịn nhục thì bản thân những người đối trọng ông cũng biết nhịn nhục, câu chuyện đốt lò của ông Trọng sẽ tạo ra một hiệu ứng kiêng dè tương tự như thời kỳ Nguyễn Bá Thanh đòi “bắt hết, nhốt hết”, và quan điểm “chạy là không dùng” gợi mở lại thời kỳ bị phản ứng đó. Có lẽ chính vì vậy, mặc dù 2 năm nữa mới bắt đầu ĐH Đảng, nhưng lưu tâm về nhân sự là hàng đầu, bởi ông Trọng biết rằng, nếu bản thân ông và đồng chí của mình thiếu “cảnh giác” thì ĐH XIII sẽ là thời kỳ gió đổi chiều. 

Dù sao đi chăng nữa, thì do bàn nhân sự không ở nhân dân, nên câu chuyện đấu đá hay gió đổi chiều cũng thuần túy trong nội bộ Đảng. Phe này thắng, hay phe kia thua, nếu giữ nguyên cơ chế bầu cử, thì nhân dân cũng đều bại.