25 avril 2019

Ly Cà phê THÁNG TƯ




44 năm đã trôi qua kể từ biến cố đẫm máu 30-4-1975. Hòa hợp và hòa giải dân tộc vẫn là một đòi hỏi bức bách. Cho dù chính phủ Việt Nam không thực hiện chính sách hòa giải hòa hợp, nhưng trong lòng người dân đã thực sự có sự hòa hợp hòa giải. 4 năm trước, kỹ sư dầu khí Mau Son ở Vũng Tàu, dù được sinh ra ở miền Bắc, vẫn có những tâm tư nhói lòng về một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Sao mãi cứ hận thù?

Ly phê THÁNG TƯ
  Mình có người cậu, đi lính năm 1963, hy sinh năm 1972 trong cổ thành Quảng Trị. Năm 2011 mình vô cổ thành tìm được hài cốt cậu bằng phương pháp áp vong, mang về nghĩa trang quê nhà một nắm đất, đặt cậu gần ông bà, mọi người trong gia đình từ đó cảm thấy yên tâm, thanh thản hơn. Chú của bạn mình, một người lính VNCH mất tích tại Đắc Tô-Tân Cảnh cũng vào tháng 4 của mùa hè đỏ lửa - 1972, đến bây giờ vẫn chưa tìm được tung tích. Gia đình bạn cũng vẫn đau đáu đi tìm người thân, thậm chí bà thím của bạn vẫn còn tin rằng chú ấy còn sống và bị giam cầm ở đâu đó. Bấy nhiêu năm vẫn không một tin tức gì…! Mình với bạn mình sinh ra và lớn lên ở hai miền chiến tuyến, cùng có người thân mất mát trong cuộc huynh đệ tương tàn. Gặp nhau khi sương đã điểm mái đầu, Coffee, rượu đế, ưu tư cho những vết đau chia rẽ của lòng người sau cuộc chiến, đến giờ còn chưa kín miệng. Nhớ lần đi tìm mộ cậu mình, thỉnh thoảng tim mình lại nhói lên khi nhìn thấy những chiếc xe giăng bên mình mảnh băng rôn màu đỏ có dán dòng chữ " Xe đi tìm mộ liêt sỹ", hay " Tổ quốc ghi công ", tự hỏi không biết sau chuyến đi của gia đình mình, còn bao nhiêu những gia đình cũng đi tìm người thân như thế, mình tin rằng còn nhiều, nhiều lắm… cho đến tận bây giờ, và cả những người ở phía “bên kia” nữa thì sao ? Huy Đức có một đoạn viết trong bài “ Bức tường BecLin”: Không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng. Nhưng, không chỉ những người đã nằm xuống, người lính thường kết thúc sứ mệnh sau khi buông súng, mà những việc có ảnh hưởng tới “các giá trị thiêng liêng” khi ấy mới thực sự bắt đầu. Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do. Tháng tư năm nay, khi nơi nơi pháo hoa , cờ phướn chuẩn bị cho ngày “Giải phóng”, mình lại hình dung thấy những người lính của cả hai bên thân hình đẫm máu vùi trong gạch nát cổ thành hay nằm dưới những quả đồi đạn bom cày xới. Họ là những người thực hiện nghĩa vụ giải phóng cho quê hương, dù là bên này hay bên kia, với mình đến giờ họ đều phải được kính trọng như nhau. Sáng tháng tư, bên ly coffee cùng bạn, nhớ những người KHÔNG TRỞ VỀ.

Chu Vĩnh Hải Vũng Tàu 18-04-2015