RFA 03-29-2019
Đại diện Bộ Công an đang trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc ngày 12/3/2019.
video captured
|
Ủy ban chuyên trách theo dõi vấn đề nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào ngày
28 tháng 3 lên tiếng kêu gọi Việt Nam chấm dứt biện pháp bỏ tù những nhà hoạt động,
nhà báo vì lên tiếng chỉ trích các chính sách của nhà nước. Ủy ban này cũng bày
tỏ quan ngại về số lượng lớn các án tử hình và hành quyết áp dụng đối với những
tội nhẹ hơn sau những phiên xử đầy sai phạm.
Reuters loan tin ngày 28 tháng 3, theo đó Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 có cuộc kiểm điểm việc tôn trọng các quyền tự do
dân sự và chính trị của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giải trình về
vấn đề này trước Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2002.
Bà Marcia Kran, một thành viên của Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát
biểu tại cuộc họp báo rằng có sự gia tăng đáng kể về tình trạng đàn áp những
nhà bảo vệ nhân quyền. Những người này bị sách nhiễu, tấn công, bị biệt giam
trước khi ra tòa. Theo bà này thì một số người bị tuyên án nặng với cáo buộc
theo những điều khoản mơ hồ; họ còn bị bạc đãi tại nơi giam giữ.
Một số nhà hoạt động bị lưu đày như trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh, một blogger và nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Ủy Ban kêu gọi Việt Nam ngưng việc sử dụng rộng rãi án tử hình cho những
tội trong đó có các tội liên quan ma túy và kinh tế mà theo ngưỡng của luật
quốc tế thì chưa phải là những tội phạm nghiêm trọng nhất.
Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trình bày thêm rằng luật pháp Việt Nam có
những điều khoản về tội vi phạm an ninh quốc gia mà gộp cả những hoạt
động hợp pháp như thực thi quyền tự do biểu đạt.
Việt Nam vẫn giữ bí mật số lượng và danh tính những tử tù; điều này hàm
nghĩa những nhà bất đồng chính kiến có thể là đối tượng bị kết án tử mà không
theo đúng qui trình pháp lý.
Một thành viên của Ủy ban dẫn nguồn từ các báo cáo công khai rằng có 85
người bị xử tử vào năm ngoái tại Việt Nam.
Tại cuộc kiểm điểm vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua, Thứ Trưởng Bộ Tư
Pháp Việt Nam, Ông Nguyễn Khánh Ngọc, lại trình bày rằng Việt Nam nỗ lực bảo vệ
quyền con người trong tiến trình phát triển đất nước.