Tác giả: Phạm Sỹ Thành
Liên quan đến việc triển khai các dự án Vành đai, Con đường
(BRI) giữa Trung Quốc và các nước khác trong 5 năm qua, nổi lên hai đặc điểm
khiến Mỹ liên tục tấn công vào BRI là (i) BRI làm các quốc gia mắc nợ Trung
Quốc, rơi vào bẫy nợ không trả được và (ii) Trung Quốc cung cấp phát triển chất
lượng thấp (low-quality). Liên quan đến “bẫy nợ (debt trap)” có một số câu hỏi
quan trọng cần làm rõ:
1. Thế nào là bẫy nợ?
2. Vì sao vay vốn Trung Quốc lại rơi vào bẫy nợ (nếu có)
3. Bẫy nợ thì hậu quả thế nào?
4. Các quốc gia làm thế nào để tránh bẫy nợ?
2. Vì sao vay vốn Trung Quốc lại rơi vào bẫy nợ (nếu có)
3. Bẫy nợ thì hậu quả thế nào?
4. Các quốc gia làm thế nào để tránh bẫy nợ?
VỀ CÂU HỎI ĐẦU TIÊN: thế nào là một “bẫy nợ”?
Tôi cho rằng một bẫy nợ được hình thành khi có (đủ) 4 yếu tố
sau: (i) các khoản vay lớn, (ii) lãi suất cao, (iii) vay trong thời gian ngắn
(10 – 15 năm), ít ân hạn để phục vụ xây dựng hệ thống CSHT có mức quay vòng vốn
lớn dẫn đến việc quốc gia mất khả năng trả nợ và phải (iv) dùng các nguồn lực khác
(tài nguyên, chủ động về chính sách, ủng hộ về chính trị v.v.) để trả nợ.
VỀ CÂU HỎI 2: vì sao vay vốn Trung Quốc lại rơi vào bẫy nợ?
Nghiên cứu của tôi phát hiện rằng, có 6 nguyên nhân.
(i) Trung Quốc thường cho các nước có xếp hạng tín nhiệm rất
thấp vay vốn. Các quốc gia nằm trong chiến lược BRI được xếp hạng tín nhiệm của
Fitch chỉ dao động từ B đến BBB. Trung Quốc thường bị coi là quá mạo hiểm trong
hoạt động đầu tư. Trong giai đoạn 2013 – 2015, có 6/10 quốc gia được Trung Quốc
cấp tín dụng phát triển nằm trong danh sách bị OECD đánh giá có mức “rất rủi
ro” về đầu tư phát triển, trong khi con số này của WB chỉ là 2 quốc gia. Nợ
công của 27 nước BRI trong đánh giá xếp hạng của Moody (2017) là “junk” (mức
thấp nhất trong nấc thang xếp hạng), trong khi 14 nước khác không được xếp hạng
. Có 6/36 quốc gia từng nhận các khoản hỗ trợ của IMF và WB để xử lý vấn đề nợ
xấu thông qua sáng kiến HIPC là các nước BRI gồm Afghanistan, Bolivia,
Ethiopia, Guyana, Madagascar, và Senegal
(ii) Nhiều nước BRI sau khi vay vốn cũng không đủ khả năng đưa
ra các đánh giá tác động của dự án, và trong một nền chính trị tràn ngập tham
nhũng với chất lượng quản trị yếu kém, lãnh đạo các địa phương có thể tìm đến
BRI để trục lợi cho địa phương và cá nhân.
(iii) Trung Quốc thiếu kinh nghiệm cho vay và thường cho vay với
các tiêu chuẩn khác biệt với thông lệ/tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết các khoản cho
vay của định chế tài chính nhà nước Trung Quốc ở nước ngoài là dựa trên các
điều khoản thương mại và không ưu đãi, chỉ có 20% các khoản cho vay phát triển
của Trung Quốc phù hợp với tiêu chí của Uỷ ban Viện trợ Phát triển OECD (DAC)
đối với viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong giai đoạn 2000 – 2014 .
Trong khi đó con số này của Mỹ là 93% và của các nước OECD là 80,6%, của WB là
35,6% .
(iv) Các định chế tài chính đa phương và các bên cung cấp tài
chính phát triển song phương chủ chốt đều công khai điều khoản tài chính đối
với các khoản vay dành cho chính phủ, trong khi đó các ngân hàng chính sách của
Trung Quốc không cung cấp báo cáo về các khoản cho vay theo quốc gia, càng
không tiết lộ thông tin về điều khoản vay vốn, khiến cho việc ước lượng nợ quốc
gia từ các khoản vay Trung Quốc trở nên vô cùng khó khăn và tạo điều kiện cho
tham nhũng.
(v) Trung Quốc không chính thức tham gia vào bất kỳ cơ chế đa
phương nào để xử lý vấn đề nợ công hoặc điều phối cùng các chủ nợ chủ chốt
khác. Trung Quốc đóng vai trò quan sát nhưng không phải thành viên của Câu lạc
bộ Paris.
(vi) Chi phí vay vốn của Trung Quốc quá đắt. Tại Thái Lan,
Pakistan, Sri Lanka, Malaysia, Myanmar v.v. vốn vay Trung Quốc đều đắt hơn so
với vay các MDB.
VỀ CÂU HỎI 3: bị bẫy nợ thì hậu quả là gì?
Mất chủ quyền qua con đường kinh tế thông qua “bẫy nợ” là lời
cảnh tỉnh từ thực tiễn hợp tác BRI của nhiều nước đang phát triển với Trung
Quốc. Cơ chế mất chủ quyền đến từ việc khi Trung Quốc cho vay vốn lớn để đầu tư
vào một dự án CSHT quy mô lớn, nhưng năng lực trả nợ và sinh lợi của dự án ở
mức thấp, không đủ trả nợ thì chính CSHT đó sẽ được bàn giao cho Trung Quốc
quyền vận hành, kinh doanh trong một thời gian dài (ví dụ 99 năm) như một cách
để hạch toán khoản nợ vay. Những cái bẫy đối với nước sở tại từ vốn Trung Quốc
gồm có (i) lãi suất cao; (ii) công ty Trung Quốc giành tỷ lệ lớn trong doanh
thu hàng năm của công trình khiến lợi ích thực tế của công ty bản địa ở mức rất
thấp; (iii) đề nghị tiếp quản toàn bộ đối với công trình hiện thời. Điển hình là
cảng Hambantota và Colombia (đều của Sri Lanka); cảng Kyaukpyu (của Myanmar),
cảng Sihanoukville (của Campuchia).
Ngoài ra, khi các nước tìm cách từ chối tiếp tục vay hoặc điều
chỉnh điều khoản Trung Quốc đã gây sức ép. Chẳng hạn Trung Quốc dừng cấp vốn cho
3 dự án của Pakistan vào tháng 11/2017 khi nước này đòi đàm phán lại điều khoản
của CPEC.
CÂU HỎI THỨ 4: các quốc gia làm thế nào khi rơi vào bẫy nợ?
(i) Đối với Myanmar, dự án cảng biển nước sâu Kyaukpyu – không
nằm trong danh mục CMEC – làm dấy lên lo ngại về chủ quyền, quyền kiểm soát và
mắc nợ Trung Quốc. Dự án này gồm hai hợp phần: một cảng nước sâu (vốn ban đầu
7,3 tỷ USD) và một khu công nghiệp rộng 1000 mẫu Anh (trị giá 2,7 tỷ USD) . Chi
phí xây cảng Kyaukpyu được mô tả là “đắt một cách nhân tạo” . Khoản nợ nước
ngoài của Myanmar hiện nay chiếm 14,5% GDP (năm 2018) trong đó 41% là nợ Trung
Quốc (tương ứng với 3,87 tỷ USD), mức lãi suất cho vay ưu đãi của Trung Quốc từ
0 – 4,5% trong khi lãi suất của ADB chỉ dao động từ 0,01 – 1,5% với khoản vay
872 triệu USD (cho giai đoạn 2017 – 2022) và chính phủ Nhật Bản cho Myanmar vay
2,13 tỷ USD (chiếm 23,3% tổng nợ nước ngoài của Myanmar) chỉ với lãi suất 0,01%
trong thời hạn vay 40 năm . Chính với lo lắng tài chính này, năm 2018, chính
phủ Myanmar đã yêu cầu Tập đoàn CITIC – một tập đoàn DNNN Trung Quốc – cắt giảm
quy mô dự án cảng Kyaukpyu từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD (giảm hơn 80% chi
phí) với thiết kế ban đầu 10 bến tàu giảm xuống còn 2 bến . Đồng thời, tại
Kyaukpyu SEZ, Myanmar muốn giảm cổ phần của Trung Quốc từ 85% xuống còn 70%
nhưng điều này vẫn chưa được đưa vào các thoả thuận của CMEC .
(ii) Pakistan là quốc gia “nửa đồng minh” quan trọng nhất của
Trung Quốc. Năm 2017, chính phủ Pakistan đã tuyên bố đàm phán lại dự án đầu tư
đập Diamer-Bhasha trị giá 14 tỷ USD thuộc CPEC .
(iii) Malaysia. Nổi tiếng nhất trong số những trường hợp xét lại
đối với các dự án BRI là trường hợp Malaysia. Ngày 21/8/2018, ngày cuối cùng
trong chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày đến Trung Quốc, Malaysia đưa ra
tuyên bố sẽ “dừng ở thời điểm hiện tại” các dự án nêu trên.
(iv) Thái Lan, thay vì xây dựng tuyến đường sắt Nong Khai –
Bangkok dài 873km, tốn 10,8 tỷ USD, chính phủ chỉ phê duyệt tuyến Bangkok –
Ratchasima dài 500km với chi phí 5,8 tỷ USD. Và trên thực tế chỉ xây dựng 3,5km
rồi dừng.
Nguồn: Facebook Phạm Sỹ Thành